1. Đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ để xây dựng mô hình bảo quản trái thanh long ở nhiệt độ thường phục vụ nội tiêu và xuất khẩu cho thị trường gần”
a. Định hướng mục tiêu chính của đề tài:
- Hoàn thiện được quy trình công nghệ thu hoạch, xử lý và bảo quản trái thanh long ở nhiệt độ thường.
- Xây dựng được mô hình xử lý và bảo quản trái thanh long ruột trắng và ruột đỏ ở nhiệt độ thường với quy mô 1 tấn/mẻ.
b. Dự kiến sản phẩm chính của đề tài:
- Quy trình công nghệ bảo quản trái thanh long ở nhiệt độ thường bằng các chế phẩm tạo màng và chế phẩm sinh học chống nấm bệnh, thời gian bảo quản tăng lên gấp 1,5 lần so với cách bảo quản thông thường hiện nay.
- Bản thiết kế và thiết bị xử lý nhiệt bằng mưa nước nóng và kho tồn trữ phù hợp bảo quản thanh long ở nhiệt độ thường.
- 01 Mô hình xử lý và bảo quản thanh long ruột trắng và ruột đỏ ở nhiệt độ thường quy mô 1 tấn/mẻ, thời gian bảo quản tăng lên gấp 1,5 lần so với cách bảo quản thông thường hiện nay.
- 01 Lớp tập huấn chuyển giao công nghệ cho các đơn vị ứng dụng.
c. Dự kiến phương thức thực hiện:
- Nhiệm vụ KHCN này là đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh thực hiện dưới dạng đề tài nghiên cứu ứng dụng thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ (ĐT-02). Đề tài được đặt hàng thực hiện theo phương thức tuyển chọn.
- Đề tài triển khai khi có doanh nghiệp tham gia đối ứng kinh phí thực hiện.
d. Dự kiến đơn vị sử dụng kết quả:
- Sử dụng trực tiếp: Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện.
- Sử dụng gián tiếp: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở công thương.
2. Đề tài “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tái sử dụng tro, xỉ than của Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân sản xuất các sản phẩm phục vụ công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”
a. Định hướng mục tiêu chính của đề tài:
- Tái sử dụng tro, xỉ than của Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân sản xuất sản phẩm phục vụ công trình xây dựng nhằm giảm thiểu tác động môi trường.
- Xây dựng công trình xây dựng từ tro, xỉ đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà nước, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận.
b. Dự kiến sản phẩm chính của đề tài:
- Các quy trình sản xuất sản phẩm phục vụ công trình xây dựng từ tro, xỉ than của Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam.
- Các sản phẩm từ tro, xỉ cụ thể: Gạch không nung; bê tông khối; san lấp công trình xây dựng; bê tông gia cố đê điều... Sản phẩm đề xuất có các tiêu chí chất lượng cần đạt, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam hiện hành.
- Có các mô hình tương ứng với các sản phẩm cụ thể triển khai trên địa bàn Bình Thuận.
c. Dự kiến phương thức thực hiện:
- Nhiệm vụ KHCN này là đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh thực hiện dưới dạng đề tài nghiên cứu ứng dụng thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ (ĐT-02). Đề tài được đặt hàng thực hiện theo phương thức tuyển chọn.
- Đề tài cần có sự tham gia của Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân.
- Tùy theo điều kiện, khả năng của các tổ chức, cá nhân sở hữu công nghệ có thể tham gia tuyển chọn một hoặc nhiều sản phẩm. Ưu tiên chọn lựa đơn vị đề xuất được nhiều sản phẩm.
- Đề tài triển khai khi có doanh nghiệp tham gia đối ứng kinh phí thực hiện.
d. Dự kiến đơn vị sử dụng kết quả:
- Sử dụng trực tiếp: Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện.
- Sử dụng gián tiếp: Sở Xây dựng; Sở Giao thông Vận tải; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân.
3. Đề tài “Đánh giá thực trạng, nghiên cứu giải pháp chuyển đổi cơ cấu lao động phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”
a. Định hướng mục tiêu chính của đề tài:
- Phân tích thực trạng quá trình biến chuyển cơ cấu lao động – việc làm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận;
- Đề xuất giải pháp giải quyết thực trạng vấn đề lao động – việc làm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận một cách có hiệu quả; đồng thời đưa ra những dự báo.
b. Dự kiến sản phẩm chính của đề tài:
- Báo cáo kết quả đánh giá thực trạng quá trình biến chuyển lao động - việc làm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận .
- Bộ giải pháp nhằm giải quyết vấn đề lao động - việc làm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, từ đó đưa ra những dự báo góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội của tỉnh nhà
c. Dự kiến phương thức thực hiện:
Nhiệm vụ KHCN này là đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh thực hiện dưới dạng đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội (ĐT-05). Đề tài được đặt hàng thực hiện theo phương thức tuyển chọn.
d. Dự kiến đơn vị sử dụng kết quả:
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Các đơn vị khác có liên quan.
4. Đề tài “Xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ mủ trôm theo hướng bền vững”
a. Định hướng mục tiêu chính của đề tài:
* Mục tiêu chung:
Xây dựng mô hình liên kết trồng cây trôm có năng suất, chất lượng cao và khai thác, tiêu thụ mủ trôm mang lại hiệu quả kinh tế cao tại Bình Thuận
* Mục tiệu cụ thể:
- Chọn được 3 giống trôm có năng suất mủ cao vượt ít nhất 15% so với giống phổ biến hiện nay tại địa phương.
- Chuyển giao quy trình trồng, chăm sóc 03 giống trôm; quy trình khai thác mủ trôm hiệu quả.
- Xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ mủ trôm.
b. Dự kiến sản phẩm chính của đề tài:
- 03 Mô hình trồng 03 giống trôm có năng suất mủ cao vượt ít nhất 15% so với giống phổ biến hiện nay tại địa phương, 01 ha/mô hình/giống. Số hộ tham gia 03 mô hình ít nhất 10 hộ.
- Các quy trình trồng, chăm sóc cây trôm; quy trình khai thác mủ trôm.
- Hợp đồng liên kết tiêu thụ mủ trôm từ 03 mô hình.
- Tập huấn cho 100 lượt người dân đủ kỹ năng thực hành trồng, chăm sóc và khai thác mủ trôm.
c. Dự kiến phương thức thực hiện:
- Nhiệm vụ KHCN này là đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh thực hiện dưới dạng đề tài nghiên cứu ứng dụng thuộc lĩnh vực khoa học nông nghiệp (ĐT-04). Đề tài được đặt hàng thực hiện theo phương thức tuyển chọn.
- Đề tài triển khai có sự đóng góp kinh phí của doanh nghiệp và các hộ dân tham gia.
d. Dự kiến đơn vị sử dụng kết quả:
- Sử dụng trực tiếp: Các hộ dân; Doanh nghiệp tham gia thực hiện.
- Sử dụng gián tiếp: Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Chi cục Trồng trọt và BVTV; Trung tâm Khuyến nông; Trung tâm Giống Nông nghiệp; UBND các địa phương có địa điểm triển khai mô hình
5. Đề tài “Xây dựng mô hình lai tạo giống bò thịt cao sản từ tinh bò đực thuần BBB (Blanc Blue Belge) và Wagyu với bò cái lai sind tại địa phương tỉnh Bình Thuận”
a. Định hướng mục tiêu chính của đề tài:
* Mục tiêu chung: Tạo ra các nhóm giống bò thịt năng suất cao, sinh sản tốt cho Bình Thuận.
* Mục tiêu cụ thể:
- Tạo con lai F1 hướng thịt phù hợp với điều kiện chăn nuôi tỉnh Bình Thuận; trong đó, con cái có chỉ tiêu sinh sản tương đương với bò lai Sind, bò đực tơ có năng suất thịt xẻ và thịt tinh cao hơn ít nhất là 1,3 lần so với bò lai Sind tại địa phương.
b. Dự kiến sản phẩm chính của đề tài:
- 02 mô hình phát triển bò lai hướng thịt, trong đó một mô hình sử dụng giống đực BBB (Blanc Blue Belge) và một mô hình dùng giống đực Wagyu; bò cái cho 02 mô hình là giống lai Sind tại địa phương. Mỗi mô hình cho ra trung bình 70 con lai F1/năm. Trọng lượng bò lai F1 lúc 18 tháng tuổi đạt 370-400 kg, tỷ lệ thịt xẻ đạt 58-70%. Con lai F1 sẽ được quản lý giống, nuôi dưỡng theo quy trình chăn thả và bổ sung thức ăn tại chuồng và theo dõi khả năng sinh trưởng từ sơ sinh đến 24 tháng tuổi.
- Quy trình nuôi dưỡng, lai hướng thịt từ các giống BBB và Wagyu.
- Quy trình nuôi dưỡng, chăm sóc con lai F1 từ 0-24 tháng tuổi.
- Hợp đồng liên kết với cơ sở giết mổ đảm bảo ATVSTP.
- Đào tạo kỹ thuật viên về lai hướng thịt và chăn nuôi bò thịt từ các giống BBB và Wagyu: 10 người.
- Tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò thịt sinh sản: 100 lượt người.
c. Dự kiến phương thức thực hiện:
- Nhiệm vụ KHCN này là đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh thực hiện dưới dạng Đề tài nghiên cứu ứng dụng thuộc lĩnh vực khoa học nông nghiệp (ĐT-04). Đề tài được đặt hàng thực hiện theo phương thức tuyển chọn.
- Đề tài triển khai có sự đóng góp kinh phí thực hiện của doanh nghiệp và các hộ dân tham gia.
d. Dự kiến đơn vị sử dụng kết quả:
- Sử dụng trực tiếp: Các nông hộ, trang trại nuôi bò; Doanh nghiệp tham gia thực hiện.
- Sử dụng gián tiếp: Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Trung tâm Khuyến nông; Trung tâm Giống Nông nghiệp; UBND các địa phương có địa điểm triển khai mô hình.
6. Đề tài “Xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ đậu phộng lệch vụ tại vùng đất cát ven sông La Ngà, tỉnh Bình Thuận”
a. Định hướng mục tiêu chính của đề tài:
* Mục tiêu chung: Xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ đậu phộng lệch vụ tại vùng đất cát ven sông La Ngà, tỉnh Bình Thuận.
* Mục tiêu cụ thể:
- Xây dựng được 02 mô hình sản xuất đậu phộng lệch vụ với các giống có năng suất, chất lượng cao tại vùng đất cát ven sông La Ngà nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ dân tại địa phương.
- Đào tạo tập huấn kỹ thuật cho cán bộ và nông dân nắm vững được kỹ thuật trồng đậu phộng lệch vụ tại địa bàn các huyện Tánh Linh và Đức Linh.
b. Dự kiến sản phẩm chính của đề tài:
- 02 mô hình sản xuất đậu phộng lệch vụ tại vùng đất cát ven sông La Ngà trên địa bàn 02 huyện Đức Linh và Tánh Linh với các giống có năng suất, chất lượng cao, trong đó: 1ha/mô hình; năng suất đạt 1,5-2,6 tấn/ha/mô hình.
- Quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc đậu phộng lệch vụ. Quy trình phải đảm bảo tăng hiệu quả kinh tế trên 20% so với các loại cây trồng cạn khác trên vùng đất cát ven sông La Ngà.
- Quy trình kỹ thuật bảo quản giống đậu phộng tươi tại nông hộ.
- 02 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ đậu phộng tươi.
- Đào tạo tập huấn ít nhất 100 lượt cán bộ kỹ thuật và nông dân tại 02 huyện Đức Linh và Tánh Linh.
c. Dự kiến phương thức thực hiện:
- Nhiệm vụ KHCN này là đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh thực hiện dưới dạng Đề tài nghiên cứu ứng dụng thuộc lĩnh vực khoa học nông nghiệp (ĐT-04). Đề tài được đặt hàng thực hiện theo phương thức tuyển chọn.
- Đề tài triển khai có sự đóng góp kinh phí thực hiện của doanh nghiệp và các hộ dân tham gia.
d. Dự kiến đơn vị sử dụng kết quả:
- Sử dụng trực tiếp: Các nông hộ; Doanh nghiệp tham gia thực hiện.
- Sử dụng gián tiếp: Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Chi cục Trồng trọt và BVTV; Trung tâm Khuyến nông; Trung tâm Giống Nông nghiệp; UBND các địa phương có địa điểm triển khai mô hình.
7. Đề tài “Xây dựng mô hình chuỗi sản phẩm du lịch cộng đồng làng chài Mũi Né – thành phố Phan Thiết - tỉnh Bình Thuận”
a. Định hướng mục tiêu chính của đề tài:
* Mục tiêu chung: Phát triển du lịch cộng đồng tại làng chài Mũi Né góp phần phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận.
* Mục tiệu cụ thể:
- Xây dựng được mô hình chuỗi sản phẩm du lịch cộng đồng làng chài Mũi Né: tham quan thắng cảnh, trải nghiệm cuộc sống người dân, tìm hiểu văn hóa địa phương …
- Đề xuất được bộ tiêu chí phát triển du lịch cộng đồng tại làng chài Mũi Né.
- Đề xuất được các giải pháp phát triển du lịch cộng đồng làng chài Mũi Né.
b. Dự kiến sản phẩm chính của đề tài:
- Mô hình chuỗi sản phẩm du lịch cộng đồng làng chài Mũi Né, trong đó có tham quan thắng cảnh, trải nghiệm cuộc sống người dân làng chài, thưởng thức ẩm thực, không gian giới thiệu văn hóa địa phương …
- Mô hình do chính người dân làng chài Mũi Né cung cấp các dịch vụ và cần có các tiêu chí đánh giá cụ thể như: Đảm bảo VSATTP, thu nhập của người dân tham gia mô hình cao hơn hiện nay ….
- Có ít nhất 02 tour du lịch tham quan mô hình du lịch cộng đồng làng chài Mũi Né, mỗi tour có ít nhất 20 du khách và được các du khách đánh giá cao về sự hài lòng.
- Bộ các quy chế quản lý, vận hành mô hình làng chài Mũi Né.
- Bộ tiêu chí phát triển du lịch cộng đồng làng chài Mũi Né.
- Bộ các giải pháp phát triển du lịch cộng đồng làng chài Mũi Né..
c. Dự kiến phương thức thực hiện:
- Nhiệm vụ KHCN này là đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh thực hiện dưới dạng Đề tài nghiên cứu ứng dụng thuộc lĩnh vực khoa học xã hội (ĐT-05). Đề tài được đặt hàng thực hiện theo phương thức tuyển chọn.
- Đề tài triển khai có sự đóng góp kinh phí thực hiện của doanh nghiệp và các hộ dân tham gia.
d. Dự kiến đơn vị sử dụng kết quả:
- Sử dụng trực tiếp: Các hộ dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện; Hiệp hội du lịch tỉnh Bình Thuận; UBND phường Mũi Né.
- Sử dụng gián tiếp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND thành phố Phan Thiết; Các đơn vị khác có liên quan.
8. Đề tài “Nghiên cứu phân vùng khô hạn và quản lý giám sát hạn hán trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”
a. Định hướng mục tiêu chính của đề tài:
- Nghiên cứu xác định được tiêu chí phân vùng và xây dựng bản đồ: Hạn do thiếu hụt lượng mưa (hạn khí tượng); Hạn do thiếu hụt dòng (hạn thủy văn); Hạn nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
- Xây dựng được chương trình quản lý, giảm sát, cảnh báo hạn hán và cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán đến cấp xã, huyện, tỉnh Bình Thuận.
- Đề xuất được các giải pháp phòng chống hạn hán trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
b. Dự kiến sản phẩm chính của đề tài:
- Bản đồ phân vùng hạn khí tượng, hạn thủy văn và hạn nông nghiệp tỉnh Bình Thuận có các tiêu chí đánh giá cụ thể về tỉ lệ, thời gian sử dụng....
- Phần mềm quản lý, giám sát, cảnh báo hạn hán bằng công nghệ WebGIS nhằm hỗ trợ chỉ đạo điều hành phòng chống hạn đến cấp xã, huyện, tỉnh Bình Thuận. Phần mềm dễ sử dụng và có các tiêu chí đánh giá cụ thể.
- Giải pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước cấp xã, huyện tỉnh và tăng cường năng lực chống hạn cấp xã, huyện, tỉnh Bình Thuận.
- Các lớp tập huấn cho cán bộ cấp xã, huyện về phương pháp khai thác sử dụng nguồn nước để tăng cường khả năng chống hạn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
c. Dự kiến phương thức thực hiện:
- Nhiệm vụ KHCN này là đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh thực hiện dưới dạng đề tài nghiên cứu ứng dụng thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên (ĐT-01). Đề tài được đặt hàng thực hiện theo phương thức tuyển chọn.
- Trong quá trình triển khai cần sử dụng, kế thừa các số liệu, tài liệu, văn bản liên quan sẵn có tại địa phương. Đặc biệt là các kết quả đã điều tra, nghiên cứu liên quan trước đây tại Bình Thuận.
d. Dự kiến đơn vị sử dụng kết quả:
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài nguyên và Môi trường; Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; UBND các huyện/thị xã/thành phố; Đài khí tượng thủy văn Bình Thuận.
Thành phần hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn bao gồm:
1. Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ của tổ chức chủ trì.
2. Đơn đăng ký chủ trì thực hiện nhiệm vụ đề tài (Biểu B1-1-ĐON).
3. Thuyết minh đề tài (Đối với đề tài số 1, 2, 4, 5, 6, 8 sử dụng biểu B1-2a-TMĐTCN; Đối với đề tài số 3, 7 sử dụng biểu B1-2b-TMĐTXH).
4. Tóm tắt hoạt động khoa học và công nghệ của tổ chức đăng ký chủ trì đề tài (Biểu B1-3-LLTC);
5. Lý lịch khoa học của cá nhân đăng ký chủ nhiệm và các thành viên thực hiện chính, thư ký khoa học thực hiện đề tài có xác nhận của cơ quan quản lý nhân sự (Biểu B1-4-LLCN).
6. Văn bản xác nhận (nếu có) về sự đồng ý của các tổ chức tham gia phối hợp thực hiện đề tài (Biểu B1-5-PHNC).
7. Báo giá thiết bị, nguyên vật liệu chính cần mua sắm, dịch vụ cần thuê để thực hiện đề tài (thời gian báo giá không quá 30 ngày tính đến thời điểm nộp hồ sơ). Báo giá được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung trước thời điểm họp thẩm định kinh phí (nếu cần).
8. Phương án huy động vốn đối ứng đối với đề tài phải có vốn đối ứng. Văn bản cụ thể cần có cho từng trường hợp trong phương án huy động vốn đối ứng như sau:
a) Đối với trường hợp sử dụng nguồn vốn tự có: Hồ sơ minh chứng tổ chức chủ trì có thể huy động được nguồn vốn tự có để thực hiện đề tài.
b) Đối với trường hợp huy động vốn từ các cá nhân/tổ chức hoặc huy động vốn góp của chủ sở hữu: Cam kết pháp lý và giấy tờ xác nhận về việc đóng góp vốn của các cá nhân/tổ chức/chủ sở hữu cho tổ chức chủ trì để thực hiện đề tài.
c) Đối với trường hợp vay tổ chức tín dụng: Cam kết cho vay vốn của các tổ chức tín dụng để thực hiện đề tài hoặc hợp đồng hạn mức tín dụng còn hiệu lực của tổ chức tín dụng đối với tổ chức chủ trì. Trước khi ký hợp đồng thực hiện đề tài, nếu Tổ thẩm định kinh phí có yêu cầu, tổ chức chủ trì bổ sung Hợp đồng tín dụng cho đề tài với tổng giá trị hợp đồng tín dụng đảm bảo được vốn đối ứng thực hiện đề tài.
8. Tài liệu liên quan khác, nếu tổ chức đăng ký tham gia tuyển chọn thấy cần thiết bổ sung làm tăng tính thuyết phục của hồ sơ hoặc đơn vị quản lý cần làm rõ thông tin trong quá trình tuyển chọn và thẩm định đề tài.
Các biểu mẫu có thể tải từ website http://skhcn.binhthuan.gov.vn => tại mục Thông báo.
Tổ chức và cá nhân tham gia tuyển chọn nhiệm vụ KHCN gửi 01 bộ Hồ sơ (gồm 14 bản: 01 bản gốc và 13 bản sao) về Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận (qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp).
Thùng đựng Hồ sơ phải được niêm phong và bên ngoài ghi rõ:
a) Tên đề tài;
b) Tên, địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ mail của tổ chức đăng ký chủ trì và tổ chức tham gia phối hợp thực hiện (chỉ ghi danh sách tổ chức đã có xác nhận tham gia phối hợp);
c) Họ tên, số điện thoại, địa chỉ mail của cá nhân đăng ký chủ nhiệm và danh sách cá nhân tham gia chính;
d) Danh mục tài liệu có trong hồ sơ.
Thời gian nhận hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn chậm nhất đến 17 giờ ngày 05/6/2020. Ngày nhận hồ sơ là ngày ghi dấu của bưu điện (trường hợp gửi qua Bưu điện) hoặc dấu công văn đến của Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận (trường hợp gửi trực tiếp).
Trường hợp thành phần hồ sơ không đầy đủ và không nộp đúng thời gian như trên, Sở Khoa học và Công nghệ không đưa ra tuyển chọn.
Địa chỉ: Sở Khoa học và Công nghệ.
08, Nguyễn Tất Thành, Tp. Phan Thiết, Bình Thuận.
ĐT: 0252.382.33.93; Email: qlkh@skhcn.binhthuan.gov.vn
Đính kèm các biểu mẫu BieumauHS_Thongbaotuyenchon_2020_Dot1
Chuyên viên: Hồ Văn Thái