Sáng ngày 14 tháng 01 năm 2020, Tiến sỹ Nicola Galloway đã đến làm việc tại Trường Đại học Công nghiệp Tp. HCM, và thực hiện hoạt động nghiên cứu về Xu thế phát triển toàn cầu của tiếng Anh như một phương tiện giảng dạy trong giáo dục đại học: chính sách, quan niệm, tác động và vai trò của “Tiếng Anh” giai đoạn 2.
Trong những năm qua, Hội đồng Anh đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và đào tạo trong việc tăng cường hợp tác trong giáo dục và đào tạo và hỗ trợ thúc đẩy quốc tế hóa giáo duc tại Việt Nam. Tiếp tục thực hiện cam kết này, Hội đồng Anh, cùng với Đại học Edinburgh, gần đây tiến hành một nghiên cứu tại Việt Nam và một số nước khu vực Đông Á liên quan đến Xu thế phát triển toàn cầu của tiếng Anh như một phương tiện giảng dạy trong giáo dục đại học: chính sách, quan niệm, tác động và vai trò của “Tiếng Anh”.
Nghiên cứu đề cập đến vấn đề về sự lan tỏa toàn cầu của tiếng Anh đã và đang làm gia tăng tầm quan trọng của việc giảng dạy tiếng Anh, cũng như việc sử dụng Tiếng Anh trong giảng dạy các môn học chuyên ngành. Các trường đại học đã và đang thực hiện các hoạt động quốc tế hóa giáo dục và cải thiện mức độ cạnh tranh toàn cầu. Việc sử dụng tiếng Anh để giảng dạy các môn học tại những quốc gia nơi tiếng Anh không phải ngôn ngữ chính thức, hiện nay đã trở thành một xu thế đang lên trên toàn thế giới. Trong khi những lợi ích lâu dài đối với các giảng viên và sinh viên là rất rõ ràng, vẫn còn những mối lo ngại về chất lượng giảng dạy và khả năng tiếp cận với nguồn tài liệu cần thiết, không kể đến những trở ngại ngôn ngữ đối với cả giảng viên và sinh viên. Ví dụ, nếu giảng viên không được đào tạo và hỗ trợ đầy đủ trong việc truyền tải nội dung bằng tiếng Anh, thay vì tiếng Việt như trước, nguy cơ thực sự là nội dung bài học sẽ không được đảm bảo và chất lượng chung của giáo dục sẽ bị ảnh hưởng.
Tham gia buổi phỏng vấn tại trường, TS. Nicola đã làm việc với nhóm giảng viên và sinh viên Khoa Ngoại ngữ. Buổi phỏng vấn diễn ra hoàn toàn thành công tốt đẹp, quý giảng viên đã nhiệt tình tham gia và thảo luận trên nhiều khía cạnh và kinh nghiệm của mình trong công tác giảng dạy tiếng Anh tại đơn vị. Bên cạnh phần phỏng vấn thành công của giảng viên, các sinh viên tham gia phỏng vấn cũng rất tự tin sử dụng tiếng Anh để trao đổi, đồng thời cũng bày tỏ quan điểm và cung cấp ý tưởng cá nhân cho TS. Nicola.
TS. Nicola phỏng vấn sinh viên IUH
Kết thúc buổi phỏng vấn, TS. Nicola cũng đã đến dự giờ tiết học của giảng viên, trong tiết học cô vô cùng hào hứng và thích thú khi các sinh viên và giảng viên tiết học đang học và trao đổi về Tết cổ truyền của người Việt, tiến sỹ chia sẻ: “ Qua buổi học hôm nay, chẳng những tôi có thể thấy được sự xôn xáo nhiệt tình của Thầy đứng lớp, thầy đóng vai trò như một người bạn đồng hành, tạo động lực cho sinh viên tự trao đổi và đưa ra ý kiến cá nhân, đồng thời tôi cũng hiểu biết thêm về ngày Tết của người Việt, đặc trưng văn hóa Tết của người Việt, điều mà tôi chưa từng được biết đến trước đây. Cảm ơn thầy, cảm ơn các em sinh viên IUH”
TS. Nicola chia sẻ cảm xúc sau khi tham dự lớp học
Mục đích của dự án nghiên cứu mà Hội đồng Anh , cùng với Đại học Edinburgh phối hợp thực hiện tại Việt Nam và một số nước khu vực Đông Á là tập trung tìm hiểu về những ý kiến của giảng viên 2 bộ môn đang dạy chuyên ngành bằng Tiếng Anh, giáo viên tiếng Anh, giáo viên dạy Tiếng Anh chuyên ngành , cũng như sinh viên đại học về trải nghiệm dạy và học của họ trong môi trường sử dụng tiếng Anh như phương tiện giảng dạy tại Việt Nam, nhu cầu đào tạo và hỗ trợ cụ thể. Xu thế phát triển của việc giảng dạy chuyên ngành bằng Tiếng Anh có ý nghĩa như thế nào đối với chính sách giáo dục. Những phát hiện của báo cáo cũng sẽ hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách giáo dục và các chuyên gia học thuật trong việc giải quyết thách thức, qua đó đảm bảo chất lượng của các chương trình giảng dạy chuyên ngành bằng Tiếng Anh.
Chuyên viên: Hồ Văn Thái