Ngày 22 tháng 4 năm 2019, trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ vùng Wallonie - Bruxelles (nước Cộng hòa Bỉ) giai đoạn 2019-2021, nhân chuyến thăm làm việc của đoàn công tác kinh tế của Vùng Wallonie từ ngày 21 đến ngày 26 tháng 04 năm 2019 tại Việt Nam, trường ĐH Công nghiệp TPHCM phối hợp với cơ quan ngoại giao Wallonie-Bruxelles (WBI, Bỉ) tổ chức Hội thảo quốc tế "Môi trường và phát triển bền vững: Ưu tiên hợp tác đối tác giữa Việt Nam và Wallonie-Bruxelles”.
Đến tham dự hội thảo, về phía Wallonie-Bruxelles (Bỉ), có ông Gilles Mahieu, Tỉnh trưởng tỉnh Braban Wallon (Bỉ), bà Anne Lange, Trưởng Đại diện Phái đoàn Wallonie-Bruxelles (thường trú tại Việt Nam), và đại diện Cơ quan Xúc tiến và Đầu tư Ngoại thương.
Ngài Gilles Mahieu - Tỉnh trưởng tỉnh Braban Wallon
Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ có sự góp mặt của ông Lê Minh Khánh - Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ông Lê Minh Khánh - Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học & Công nghệ
Về phía trường Đại học Công nghiệp TPHCM có TS. Nguyễn Thiên Tuế - Hiệu trưởng nhà trường, cùng các thầy trong Ban Giám hiệu, lãnh đạo các phòng ban chức năng, khoa, viện, cùng các giảng viên và sinh viên trong nhà trường. Bên cạnh đó, về phía Đại học Quốc gia Hà Nội có sự tham gia của GS.TS. Phạm Hùng Việt - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ môi trường và phát triển bền vững; PGS.TS. Dương Văn Hợp - Viện trưởng Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường, có quan tâm đến mô hình phát triển bền vững; các nhà khoa học và sinh viên các khoa, viện của trường.
Đại biểu tham dự Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thiên Tuế - Hiệu trưởng nhà trường đã nhấn mạnh rằng: “Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cam kết sẽ hỗ trợ dự án số 21 (Thiết lập Đài quan sát hạn hán ở miền Trung) và số 22 (Duy trì chương trình IMES và Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ môi trường) triển khai và thực hiện đạt kết quả tốt. Nhà trường sẽ tổ chức kết nối các doanh nghiệp Bỉ và Việt Nam nhằm đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thương mại giữa hai nước trên lĩnh vực môi trường nói riêng và các ngành công nghiệp thế mạnh khác của vùng Wallonie-Brussels.”
TS. Nguyễn Thiên Tuế phát biểu khai mạc Hội thảo
Thay mặt phái đoàn Wallonie - Bruxelles tại Việt Nam, bà Anne Lange đã phát biểu: “Đây là dịp quan trọng để giới thiệu đến tất cả quý vị những dự án hợp tác giữa Bỉ và Việt Nam trong thời gian qua, và hy vọng qua hội thảo lần này sẽ giới thiệu được nhiều cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp và các nhà khoa học giữa hai nước. Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và môi trường được đặt tại trường Đại học Công nghiệp TPHCM chính là kết quả của sự hợp tác giữa hai bên, là nơi để quảng bá và tạo cơ hội hợp tác của Bỉ và Việt Nam”.
Bà Anne Lange phát biểu tại hội thảo
Trong giai đoạn 2019-2021, Chính phủ vùng Wallonie - Brussel đã ký kết hiệp định hợp tác với Chính phủ Việt Nam thông qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong tổng số 25 dự án được hai nước ký kết, trường Đại học Công nghiệp TPHCM được chủ nhiệm 2 dự án gồm: số 21 (Thiết lập Đài quan sát hạn hán ở miền Trung) và số 22 (Duy trì chương trình IMES và Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ môi trường). Ngoài ra, Nhà trường còn tham gia 2 dự án khác: số 24 với Đại học Quốc gia Hà Nội và số 23 với trường Đại học Trà Vinh. Điều đó chứng minh rằng, trường ĐH Công nghiệp TPHCM đã nhận được sự tin cậy và sự ưu tiên rất cao từ phía Phái đoàn Wallonie - Bruxelles về môi trường và phát triển bền vững dành cho Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Ngay sau lễ khai mạc, các nhà khoa học đã trình bày và thảo luận tại Hội thảo. Trong đó, PGS.TS. Lê Hùng Anh - Viện trưởng Viện KHCN&QLMT, trường ĐH Công nghiệp TP HCM đã trình bày về “Vai trò, nhiệm vụ và vận hành Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ môi trường tại trường ĐH Công nghiệp TPHCM phục vụ cho các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế”. Ông Eric Blétard - Tham tán kinh tế Vùng Wallonie tại Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu về “Dự án năng lượng tái tạo &sharp39;made in Wallonia&sharp39;, vai trò hợp tác giữa các trường đại học với các doanh nghiệp”. GS.TS. Phạm Hùng Việt - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu công nghệ môi trường và phát triển bền vững - Đại học Quốc gia Hà Nội, trình bày về Phương thức tái tạo năng lượng từ nguồn rác thải lỏng và rắn. TS. Dương Văn Hợp - Viện trưởng Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học - Đại học Quốc gia Hà Nội, trình bày nội dung “Phát triển môi trường bền vững, thông qua các kinh nghiệm thực hiện dự án” với GS. Thonart và GS. Dommes - trường Đại học Liège (sản xuất thức ăn cho tôm không sử dụng kháng sinh, sản xuất thuốc trừ sâu sinh học, sử dụng vỏ tôm để sản xuất phân bón sinh học...)
Những trao đổi khoa học thẳng thắn tại Hội thảo là tiền đề để xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, tạo ra sự gắn kết giữa nhà trường - doanh nghiệp, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.